Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm cũng cho rằng, nếu XHHT là một thiết chế gắn kết hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường với hệ thống giáo dục không chính quy ngoài xã hội, giáo dục ban đầu ở nhà trường với giáo dục tiếp tục sau nhà trường, thì nhà giáo không những chỉ trang bị kiến thức và bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ mà còn phải hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ người lớn nâng cao kiến thức, tiếp cận với sự phát triển của tri thức nhân loại, với tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, đưa đất nước tiến lên cùng với thời đại.
Đồng với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao đổi thêm: “Nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng XHHT là làm cho mọi người từ trẻ đến già đều thấy cần phải học, có thể học và được học suốt đời; xem học tập là một nhu cầu của cuộc sống, như cơm ăn, áo mặc. Đồng thời, XHHT sẽ tạo môi trường thuận lợi, đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập ban đầu và học suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi trình độ, trong đó đặc biệt chú ý nhu cầu học tập của người cao tuổi, người bị khuyết tật, người bị thiệt thòi về giáo dục…".
Nhà giáo với xã hội học tập: Không thể thiếu sự hỗ trợ
Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thì XHHT không phải là vấn đề mới đối với thế giới hiện đại. Tuy nhiên, đối với nhà giáo, hình như vấn đề XHHT còn khá mới mẻ, bởi ngành giáo dục chưa mở ra các lớp tập huấn, chưa được biên soạn những chuyên đề hoặc tài liệu khoa nào trong trường sư phạm về vấn đề này, Chính phủ cũng chưa ban hành một văn bản quy định vai trò, vị trí, trách nhiệm của nhà giáo đối với XHHT.
Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phân tích: Xã hội vốn đòi hỏi cao ở giáo viên (GV) nhưng những kỳ vọng đối với họ còn lớn hơn nữa khi Việt Nam hướng tới trở thành một XHHT, nơi mọi công dân đều học tập và học tập suốt đời dưới nhiều hình thức khác nhau và mọi tổ chức, cá nhân, mọi nhà giáo đều có trách nhiệm tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân.
“Tất cả chúng ta đều nhận thức rõ về đối tượng GV mong đợi trong tương lai. Đó là một danh sách rất dài các yêu cầu đòi hỏi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra đó là từng người trong số chúng ta đã và đang làm những gì để mang lại một môi trường thuận lợi trong thời gian sớm nhất nhằm giúp cho những con người kỳ diệu này có thể làm tốt công việc của họ? Và đương nhiên câu trả lời không chỉ đơn thuần là việc bố trí kinh phí mới có thể tạo nên những thay đổi” - bà Katherine Muller-Marin nói.
Với tư cách là người trong cuộc, cô Đinh Phương Anh - GV Trường THCS Lê Ngọc Hân (Hà Nội) thẳng thắn nói: “Hiện nay có rất nhiều thách thức đối với đội ngũ nhà giáo. Việc khoa học kỹ thuật thay đổi như vũ bão đòi hỏi GV cũng phải luôn vận động để bắt kịp. Tuy nhiên với việc lương nhà giáo còn thấp nên họ chưa thể dành toàn bộ tâm huyết đối với ngành mà vẫn phải bươn chải để chăm lo cuộc sống gia đình”.
Cô Phương Anh đánh giá thêm, với việc không có sự phân biệt giữa các GV nên làm ảnh hưởng ít nhiều đến động lực phấn đấu. Chẳng hạn như nhiều thầy cô dành thời gian, công sức để nghiên cứu các đề tài sáng kiến kinh nghiệm, phấn đầu để trở thành chiến sĩ thi đua… nhưng thành quả họ nhận được cũng chỉ mới dừng lại là động viên, khen thưởng theo yếu tố tinh thần là chính còn về vật chất thì rất hạn hẹp…
Ông Sziraczki - Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, một thách thức lớn nhất đối với Việt Nam, là làm thế nào để nghề giáo trở thành một việc làm bền vững xứng đáng với vị thể vốn có của nghề này trong xã hội. Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng khi dành cho giáo dục 20% phân bổ ngân sách quốc gia, nhưng còn cần rất nhiều sự hỗ trợ nữa để giúp các nhà giáo đưa giáo dục đến tất cả mọi người.
Cũng theo ông Sziraczki, là một XHHT, các quốc gia có thể thúc đẩy một tương lai ngày càng hòa bình và thịnh vượng. GV chính là tâm điểm của tầm nhìn này. Họ là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Không có gì có thể thay thế được GV. Không có gì quan trọng hơn là hỗ trợ họ.
Ngoài việc làm rõ cơ hội và thách thức đối với nhà giáo khi tham gia XHHT thì buổi tọa cũng trao đổi thêm về vấn đề hỗ trợ nhà giáo, đề xuất nâng cao vị thế của nhà giáo trong XHHT… Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, từ những cuộc trao đổi sát thực như thế này sẽ hình thành những khuyến nghị giúp nhà giáo thực hiện hướng tới xây dựng nước ta trở thành một XHHT.
S.H
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn