Trường THCS Diễn Hải - Diễn Châu - Nghệ An

http://thcsdienhai.dienchau.edu.vn


Học sinh cần học kỹ năng gì?

Câu hỏi mà chúng ta thường đặt ra cho học sinh tiểu học và trung học phổ thông là: ngoài những kiến thức phổ thông về toán, khoa học và nhân văn, học sinh cần học điều gì để giúp họ hội nhập với xã hội, trở thành công dân có ích cho cộng đồng?
Bốn trăm năm trước Công nguyên, khi được hỏi học sinh nên được dạy điều gì, triết gia Aristippus của Hi Lạp trả lời: “Những điều mà họ sẽ sử dụng khi họ trở thành người lớn”.

Các chương trình giáo dục hiện hành ở cấp tiểu học và trung học được soạn thảo nhằm giúp học sinh chuyển tiếp vào hệ thống đại học và chuẩn bị thi cử, chứ không phải để chuẩn bị cho các em bước vào cuộc sống thực tế. Câu hỏi đặt ra là học sinh cần học những gì để khi trưởng thành họ có thể áp dụng? Cũng có nhiều trường học đã từng xem xét vấn đề này, nhưng tôi tin rằng hệ thống giáo dục hiện nay đã không thành công trong việc cung cấp cho học sinh những kỹ năng thực tế và thiết yếu như trên. Trường học không chỉ là bốn bức tường của nhà giữ trẻ. Trường học nên huấn luyện trái tim và bộ óc, và thực hiện qua các môn học. Bất cứ câu trả lời nghiêm chỉnh nào cũng không thể bỏ qua các kỹ năng tối thiểu sau đây:

Cộng đồng

Ngày nay học sinh bị cuốn hút theo các trò chơi điện tử và những quan hệ ảo trên hệ thống Internet. Đây là những trò chơi làm cho họ xa lánh với môi trường sống thực tế và thiếu sự tương tác giữa con người với con người. Kỹ năng xã hội của học sinh ngày càng kém. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh trở nên ích kỷ, không quan tâm đến nhu cầu của người khác, không có khả năng liên kết suy nghĩ của người khác vào quỹ đạo suy nghĩ của mình. Nói ngắn gọn, họ có nguy cơ trở thành gánh nặng cho xã hội và cộng đồng. Điều mà học sinh cần phải biết là kinh nghiệm sống trong cộng đồng, chứ không phải chỉ trong bốn bức tường của trường học. Họ phải có kinh nghiệm sống ngoài trường học, sống với 24 giờ trong thế giới hỗn độn và cộng đồng phức tạp. Họ cần phải học cách trở nên tử tế với những người xung quanh.

Kỹ năng thông tin

Học sinh, đặc biệt là nam học sinh, cần được rèn luyện kỹ năng thông tin tốt hơn. Họ cần phải học cách diễn tả và lý giải một cách hoạt bát qua viết và nói. Mặc dù các kỹ năng này không phải là mới trong giáo dục nhà trường, nhưng vấn đề là làm sao nâng cao kỹ năng thông tin cho học sinh một cách hữu hiệu hơn. Tuy nhiên, nhà trường cần phải nhận thức rằng nội dung thông tin chỉ chiếm khoảng 7% độ ảnh hưởng của thông tin. Phần còn lại là do thái độ, thể diện (57%) và âm lượng của người nói (36%). Học sinh cần phải được dạy đọc ngôn ngữ cơ thể của người đối diện để cảm nhận tâm trạng, để diễn giải cảm giác mà không thể mô tả bằng ngôn ngữ của người đối thoại. Họ cần phải cải thiện khả năng chuyển tải và tiếp nhận thông tin qua ngôn ngữ cơ thể và thái độ.

Tự biết mình

Ngày nay có quá nhiều thanh thiếu niên không có chính kiến, không có lập trường, không biết họ đứng ở vị trí nào và cũng chẳng biết họ tin tưởng vào cái gì. Một số khác đáng ngại hơn là tỏ ra hài lòng với cuộc sống nhưng không có cứu cánh gì cả, không có lập trường vững chắc. Tệ hơn, một số học sinh không biết họ là ai, không biết mình có khả năng gì đặc biệt. Do đó, một yêu cầu cơ bản cho tất cả học sinh là họ phải là chủ nhân của những gì họ tin tưởng hay lập trường cá nhân. Họ có thể bắt chước, có thể nói theo ý kiến của người khác hay tin theo một niềm tin từ cha mẹ hoặc thầy cô ở nhà trường, nhưng mỗi học sinh phải tìm cho mình một tiếng nói riêng hay một lập trường cá nhân, chứ không phải cứ nghe theo người khác một cách mù quáng.

Vấn đề riêng tư

Nói chung, hệ thống giáo dục nước ta không thành công mấy trong việc chuẩn bị cho học sinh đương đầu với các vấn đề riêng tư, kể cả sex. Chúng ta đang có những chương trình giáo dục về sex, nhưng hình như vẫn chưa có hiệu quả vì nhiều thầy cô miễn cưỡng giảng dạy chủ đề này. Trong khi đó, học sinh liên tục tiếp thu nhiều thông điệp trái ngược nhau. Cha mẹ nói thế này còn trường nói thế khác, nhưng các website thì tuyên bố hoàn toàn khác với cha mẹ và thầy cô. Người có tư cách để giáo dục học sinh về sex chính là cha mẹ các em. Một số cha mẹ không ngần ngại nói về sex với con em mình, nhưng đại đa số cha mẹ không bao giờ muốn nói đến những chuyện tế nhị này.

Kiểm soát cảm tính

Có người chỉ ra rằng nhà tù ngày nay đầy rẫy thanh niên và đàn ông, nhưng nếu họ có kỹ năng và nghệ thuật đếm từ 1-10 trước khi hành động thì có lẽ không cần đến nhà tù. Hành động một cách nông nổi, bốc đồng thường là dấu hiệu cho thấy chỉ có một phần của bộ não là được khởi động, còn phần khác của não vốn cần thiết để phòng chống những quyết định thiếu sáng suốt là chưa được khởi động. Hành động “chiến đấu hay là chạy” cần thiết cho cuộc sống từ thời tiền sử, thời mà người đàn ông phải bảo vệ hang động từ các nhóm xâm lăng, nhưng không có hiệu quả trong thế giới hiện tại, một thế giới chỉ chấp nhận những hành động và con người trưởng thành trong xã hội hiện đại.

Tài chính

Sống và chi tiêu quá khả năng (vung tay quá trán) hay quá lệ thuộc vào cha mẹ là nguyên nhân dẫn đến những thảm nạn tài chính cho học sinh. Trong một xã hội mà nợ nần càng ngày càng trở thành một gánh nặng, vấn đề tài chính cần phải được giảng dạy cho học sinh. Cần phải nói cho học sinh biết những điều kiện hay cạm bẫy để tránh mượn tiền quá nhiều, tránh những chương trình khuyến mãi làm giàu nhanh chóng, và biết chi tiêu một cách thỏa đáng, thích hợp với thu nhập của mình và gia đình.

Thực tế

Thảo luận về tình trạng thiếu các kỹ năng sống ở thanh thiếu niên thường được thêu dệt bằng những câu chuyện kinh khủng về phòng tắm dơ bẩn, nhà bếp chồng chất chén đĩa dơ dáy và phòng ngủ luộm thuộm. Một số học sinh không bao giờ được dạy nấu ăn hay nếu được dạy, có lẽ họ chưa được dạy cách rửa nồi niêu, chén đũa sau khi nấu ăn. Do đó, không ngạc nhiên chút nào khi học sinh ngày nay thiếu hàng loạt kỹ năng sống trong nhà, từ những việc đơn giản nhất (như cắt cỏ, thay nhớt xe, thay ống nước) đến những việc có phần tính toán hơn như cách tiết kiệm điện.

Lịch thiệp

Những phép lịch sự căn bản như cách xưng hô trong khi nói hay viết là những kỹ năng có nguy cơ bị đánh mất ở thanh thiếu niên ngày nay. Không học thái độ lịch thiệp trong xã hội có thể dẫn đến bất lợi cho học sinh. Do đó, học sinh cần phải được dạy những kỹ năng căn bản như cách xưng hô, gửi một lời cảm ơn, bắt tay một cách thích hợp.

Trách nhiệm

Nhiều học sinh có kiểu “sống qua khung cửa sổ”. Họ chỉ thích nhìn. Nhìn là điều an toàn. Họ không có trách nhiệm hay không nhận lãnh trách nhiệm. Khoanh tay nhìn xe bị tai nạn mà không làm gì giúp nạn nhân. Lối sống này rất phổ biến trong thanh thiếu niên ngày nay, phổ biến đến nỗi chúng ta có thể nói họ sống thụ động. Họ nhìn, họ xem, họ phê phán từ ghế salon tiện nghi trong phòng khách. Khi trưởng thành, họ sẽ thấy khó làm gì hơn là nhìn và trở nên vô trách nhiệm. Vì thế, học sinh cần phải được dạy cách thức làm chủ thái độ và hành vi của họ, cách làm lãnh đạo, cách quyết định thích hợp và cách phục vụ người khác.

Sức bật

Thanh thiếu niên nói chung thích được khen tặng, tán dương. Có em thậm chí bị ngã gục vì không được khen ngợi! Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng hay toàn điều tốt đẹp. Lòng tự trọng cần phải được phát triển và bồi đắp. Những thành công tầm thường không thể tâng bốc là phi thường được. Học sinh không nên phụ thuộc vào những lời khen tặng. Những bất mãn, thất vọng có thể xảy ra trong đời sống. Học sinh cần phải được trang bị cho mình nội lực và sự can đảm cần thiết để đương đầu với những bất trắc trong cuộc sống.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây